Thứ Hai, 16 tháng 12, 2019

Giai thoại danh họa: Nguyễn Gia Trí – Cãi bướng bị đuổi học, thấy vẽ đẹp lại được mời học lại

Nguyễn Gia Trí thi đỗ vào trường và học khóa IV nhưng đến tận khóa VII mới tốt nghiệp, lý do thì khá ly kỳ.
Khi thi vào học khóa 1928-1933, Nguyễn Gia Trí học khá nhưng rất cứng đầu cứng cổ (cái ương bướng của ông đã thành một bản sắc mà chúng ta sẽ biết tới trong các bài tiếp theo)
Hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí thời sinh viên
Một hôm thầy Victor Tardieu xuống lớp xem bài và đến bài của trò Trí thấy không đồng ý với cách vẽ của học trò này. Thật bất ngờ là Nguyễn Gia Trí cãi lại rất hăng. Trong bối cảnh thời thực dân thì một anh học trò vốn đã là vai dưới lại còn là dân xứ thuộc địa gân cổ lên cãi chày cãi cối thế này là một việc không thể chấp nhận được, tất nhiên là ông bị đuổi thẳng cổ.
Nguyễn Gia Trí cũng không vừa, ông lẳng lặng xách đồ vẽ cá nhân đi thẳng.
Chuyện không có gì đáng kể nếu không đến một ngày. Hôm đó đẹp giời, chả biết có việc gì hay thầy muốn đi du ngoạn thôi. Victor Tardieu thuê xe ngựa rời Hà Nội lên Lạng Sơn. Đến một đoạn đèo ở Bắc Giang, ông bỗng nhìn thấy một người bản xứ đặt giá đang đứng vẽ.
Đây tất là một sự lạ ở cái xứ này. Tò mò, ông liền bảo xà ích cho dừng xe, ông tiến tới người đang đứng vẽ và nhận thấy bức tranh đó khá đẹp. lại gần chút nữa thì ông nhận ra đó là ông học trò cứng cổ ngày nào mình đã đuổi học.
Hiệu trưởng Victor Tardieu

Chần chừ giây lát rồi ông hiệu trưởng tiến ra phía trước…..Nguyễn Gia Trí sau này nhớ lại giây phút ấy: đang mải vẽ bỗng giật mình thấy ông Hiệu trưởng Tây hiện ra bên cạnh, bất ngờ nhấc nhẹ mũ phớt chào, khen tranh đẹp và tỏ lời hối tiếc đã đuổi trò trong lúc nóng giận: “Kể từ ngày mai, nếu muốn, anh có thể quay lại trường để học tiếp, tôi hứa!”
Sau này khi ra trường, Nguyễn Gia Trí đi sâu chuyên vào sơn mài, và dần nhận được nhiều hợp đồng lớn. Không chỉ ông phải thuê nhiều thợ sơn ta chuyên nghiệp mà còn thuê cả khóa sinh viên mỹ thuật khóa 1939-1944. Rất nhiều tranh của ông sau này đều được liệt vào bảo vật quốc gia và có mặt trong nhiều bộ sưu tập hoặc bảo tàng nước ngoài.

Vườn Xuân Trung Nam Bắc. Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh

Câu chuyện ở đây lại cho người ta thấy một lần nữa, tính vô tư trong nghệ thuật của họa sĩ Victor Tardieu. Trọng tài hơn tất cả mọi thứ. Sẵn sàng nhún mình vì nghệ thuật chứ không chịu bỏ phí một tài năng nào.
Từ một người quyết tâm bằng được mở ra trường mỹ thuật khi nhận thấy người An Nam có đủ tư chất nghệ sĩ cũng như kiên định bảo vệ lập trường chỉ đào tạo họa sĩ chứ không đào tạo thợ vẽ, bất chấp sức ép của toàn quyền thực dân. Để rồi gắn bó với xứ này suốt 12 năm cho đến tận khi qua đời.
Và vì có một người thầy như thế, đã tái phát hiện ra một tài năng – mà sau này đã trở thành một trong “Bát Trụ” của nền mỹ thuật Việt Nam. Nguyễn Gia Trí – một trong những danh họa quan trọng nhất của hội họa sơn mài Việt Nam.
-BỤI TỔNG HỢP –

0 nhận xét:

Đăng nhận xét